Câu hỏi của bạn chúng tôi trả lời như sau: 1. Việc thực hiện quyền khiếu nại về lao động
Căn cứ quy định tại Điều 15 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP ngày 27/02/2018 của Chính phủ quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động
“Điều 15. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động
1. Người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về lao động, an toàn, vệ sinh lao động của mình bị khiếu nại.
2. Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu theo quy định tại Điều 23 hoặc đã hết thời hạn quy định tại Điều 20 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết.”
Do đó, bà có thể làm đơn khiếu nại gửi đến người đại diện pháp luật của Công ty để được giải quyết. Trong thời hạn 30 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại), nếu Công ty không giải quyết hoặc bà không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Công ty, bà có quyền khởi kiện Công ty tại Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc tiếp tục khiếu nại (lần 2) đến Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi Công ty đặt trụ sở chính để được xem xét giải quyết. 2. Việc thực hiện quyền khởi kiện tại tòa án
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 10 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP ngày 27/02/2018 của Chính phủ quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động,bà có thể làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi Công ty đóng trụ sở chính để được thụ lý giải quyết theo quy định.
Câu hỏi của Ông Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Ngày 01/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2024/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 500.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/7/2024.
Để đảm bảo các quy định khi triển khai thực hiện, ngày 09/10/2024, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 5609/UBND-SLĐTBXH, trong đó thực hiện mức chuẩn trợ giúp xã hội là 500.000 đồng/tháng theo Nghị định số 76/2024/NĐ-CP đối với các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của Trung ương.
Qua đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố đã có văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện, phối hợp với các Bưu điện tổ chức thực hiện chi trả cho các đối tượng BTXH, trong đó có người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng) với mức500.000 đồng/thángtại kỳ chi trả tháng 11/2024 và đối tượng được nhận số tiền truy lĩnh từ tháng 7/2024.
Câu hỏi của Bầ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
1. Nội quy lao động
- Điều 120 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Hồ sơ đăng ký nội quy lao động bao gồm:
1. Văn bản đề nghị đăng ký nội quy lao động;
2. Nội quy lao động;
3. Văn bản góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
4. Các văn bản của người sử dụng lao động có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (nếu có)”
- Hiện nay, thủ tục đăng ký nội quy lao động của doanh nghiệp đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai nộp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử theo địa chỉ: dichvucong.danang.gov.vn.
2. Thỏa ước lao động tập thể
Điều 77 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động tham gia thỏa ước phải gửi 01 bản thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đặt trụ sở chính”
Như vậy, sau khi kí kết Thỏa ước lao động tập thể, doanh nghiệp gửi bản thỏa ước về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, địa chỉ: Tầng 20, Trung tâm hành chính, số 24 Trần Phú, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Câu hỏi của bà, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 03 cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi (Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và 02 cơ sở ngoài công lập gồm: Mái ấm tình thương và Viện dưỡng lão Thiện Tâm An). Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng, có dịch vụ đối với người cao tuổi tự nguyện với mức giá là 6 triệu đồng/người/tháng; người cao tuổi không tự phục vụ được là 9 triệu đồng/người/tháng; Viện dưỡng lão Thiện Tâm An với mức giá từ 10 triệu đồng đến 28,8 triệu đồng tùy theo mức độ nặng nhẹ để áp dụng gói dịch vụ phù hợp. Về quy hoạch, năm 2025, thành phố dự kiến đầu tư xây dựng 01 Trung tâm dưỡng lão thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ từ nguồn xã hội hóa do tổ chức, cá nhân để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi và hiện nay thành phố đang đấu thầu giá quyền sử dụng đất để thu hút các nhà đầu tư để thực hiện./.
Câu hỏi của Ông, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Hiện nay, tất cả chương trình đưa người lao động Việt Nam việc ở nước ngoài được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai về các địa phương đều thực hiện theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước, đây là đơn vị được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho phép thực hiện việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tùy theo mỗi chương trình sẽ có yêu cầu khác nhau về trình độ, độ tuổi, giới tính, tay nghề, thời hạn nộp hồ sơ, nơi tiếp nhận hồ sơ…. Vì vậy, để chủ động theo dõi thông tin các đợt thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đề nghị anh (chị) thường xuyên theo dõi thông tin ở trang thông tin điện tử của Trung tâm Lao động ngoài nước theo địa chỉ: colab.gov.vn, hoặc trang thông tin điển tử của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo địa chỉ: ldtbxh.danang.gov.vn, hoặc trên các phương tiện thông tin của địa phương nơi cư trú. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cho Ông được biết./.
Chương trình làm việc thời vụ theo hình thức hợp tác giữa hai địa phương của Việt Nam và Hàn Quốc là chương trình đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong ngành nông nghiệp được kí kết giữa UBND huyện Hòa Vang, Đà Nẵng và huyện Yeongyang, tỉnh Gyeoongsangbuk, Hàn Quốc, người lao động phải đáp ứng các điều kiện như sau:
+ Những người làm nông nghiệp tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng
+ Về Độ tuổi: Độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi. Đối với những người đã từng tham gia Chương trình lao động thời vụ tại Hàn Quốc các năm trước và được chủ vườn đánh giá lao động ưu tú thì không giới hạn độ tuổi (số lượng được chọn không vượt quá 30% tổng số lượng đi mỗi đợt).
+ Công dân thường trú tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không có tiền án và không thuộc diện cấm không được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật; có đủ sức khỏe để đi làm việc ở nước ngoài (không mắc bệnh truyền nhiễm).
+ Những người không có người quen tại Hàn Quốc.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chỉ có UBND huyện Hòa Vang kí kết chương trình đi làm việc thời vụ trong nông nghiệp với Hàn Quốc. Quận Ngũ Hành Sơn chưa thực hiện chương trình này.
Tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
“1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.”
Tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
“1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.”
Căn cứ quy định nêu trên, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phảo báo trước cho người sử dụng lao động theo thời gian như sau: Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng, ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng). Đồng thời, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên.
Qua nội dung câu hỏiSở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Theo khoản 2 Điều 99 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ chỉ quy định chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ. Cụ thể như sau: Tặng nhà: Nhà nước và xã hội tặng nhà tình nghĩa đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ khi thuê nhà ở xã hội, nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước theo quy; hỗ trợ khi mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước (không bao gồm tiền sử dụng đất) theo quy định của pháp luật về nhà ở; hỗ trợ giải quyết cho mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về nhà ở; hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định của pháp luật về nhà ở; hỗ trợ kinh phí để cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng theo quy định.
Theo Mục 7 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ chỉ quy định chính sách miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ.
Do đó, căn cứ theo các quy định nêu trên, hiện nay chưa có quy định về chính sách cấp nhà hoặc đất đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ./.