Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng trả lời phản ánh của công dân như sau:
Theo quy định hiện hành, việc quản lý dạy thêm, học thêm được thực hiện theo các quy định sau: Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạoban hành quy định về dạy thêm, học thêm; Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạovề việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012-TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạoban hành quy định về dạy thêm, học thêm. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạokhông còn thực hiện thủ tục hành chính về cấp phép tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm; cũng không có thẩm quyền cấm hoạt động dạy thêm, học thêm được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 1220/SGDĐT-TCCB ngày 28/4/2021 về việc tăng cường công tác quản lý dạy thêm, học thêm để chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học quán triệt đến đội ngũ giáo viên, tổ chức thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm.
Trường hợp công dân phát hiện hoạt động dạy thêm, học thêm tiêu cực, trái quy định của pháp luật thì có phản ánh cụ thể hoặc tố cáo để Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra, xử lý hoặc xử phạt theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian đến, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu UBND thành phố chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố.
Vậy Sở Giáo dục và Đào tạo phản hồi để công dân biết./.
Về câu hỏi của ông Nguyễn Ngọc Mạnh Sở Văn hóa và Thể thao xin phản hồi như sau:
Việc hỗ trợ chế độ phụ cấp và công tác tu sửa bảo quản định kỳ di tích đình Thạc Gián thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận Thanh Khê theo quy định tạiQuy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên thành phố Đà Nẵng ban hành kèm theo Quyết định số 5009/QĐ-UBND ngày 22/12/2020 của UBND thành phố. Theo đó, tại Điều 6 quy định: “UBND các quận, huyện chủ động cân đối nguồn ngân sách, kinh phí được giao hàng năm để chi trả thù lao cho người trông coi trực tiếp và hỗ trợ các hoạt động thường xuyên của Ban Quản lý di tích”; đồng thời, tại Điều 7 Quy chế cũng quy định “UBND các quận, huyện chủ trì thực hiện tu sửa cấp thiết di tích, bảo quản định kỳ di tích”.
Do đó, đề nghị chuyển nội dung kiến nghị của ông Nguyễn Ngọc Mạnh cho UBND quận Thanh Khê trả lời theo quy định.
Trân trọng.!
Về câu hỏi của Bạn Sở Văn hóa và Thể thao xin trả lời như sau:
1. Thủ tục cấp phép biển quảng cáo tại thành phố Đà Nẵng cần những giấy tờ gì? Quy trình, thủ tục và các giấy tờ cần cung cấp?
a) Tại Quyết định số 2579/QĐ-UBND ngày 26/7/2021 của UBND thành phố về công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố thì “Thủ tục tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, phướn”quy định như sau:
- Về thành phần hồ sơ:
+ Văn bản thông báo sản phẩm quảng cáo ghi rõ nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng-rôn, phướn;
+ Bản sao giấy tờ chứng minh sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để quảng cáo theo quy định tại Điều 20 của Luật quảng cáo;
+ Bản sao văn bản về việc tổ chức sự kiện của đơn vị tổ chức trong trường hợp quảng cáo cho sự kiện, chính sách xã hội (nếu có);
+ Ma-két sản phẩm quảng cáo in màu có chữ ký của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc chữ ký của người quảng cáo trong trường hợp tự thực hiện quảng cáo. Trong trường hợp người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người quảng cáo là tổ chức thì phải có dấu của tổ chức;
+ Văn bản chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bảng quảng cáo; quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm quảng cáo đối với băng-rôn;
+ Bản phối cảnh vị trí đặt bảng quảng cáo;
+ Bản sao giấy phép xây dựng công trình quảng cáo đối với loại bảng quảng cáo phải có giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật quảng cáo (đối với bảng trên 20m2).
- Công ty nộp hồ sơ online đối với các thành phần như trên tại Cổng dichvucong.danang.gov.vn.
- Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
b) Trường hợp đơn vị thực hiện bảng quảng cáo trên 20m2 gắn với công trình xây dựng hoặc bảng quảng cáo độc lập: Trước khi thực hiện thủ tục trên, đơn vị phải thực hiện xin chủ trương lắp đặt của UBND thành phố.
Hồ sơ xin chủ trương gửi đến Sở Văn hóa và Thể thao (gửi bản giấy trực tiếp hoặc theo đường bưu điện), gồm:
- Công văn xin phép lắp đặt, trong đó ghi rõ địa điểm, vị trí, kích thước lắp đặt bảng, chiều cao so với cốt vỉa hè.
- Bản phối cảnh vị trí lắp đặt.
- Sơ đồ vị trí lắp đặt.
2. Sau khi nộp online, các giấy tờ xin phép có phải nộp bản sao công chứng hay không?
- Sau khi nộp hồ sơ online (mục a, khoản 1), Công ty gửi 01 bộ hồ sơ qua đường bưu điện thông qua Dịch vụ Bưu chính Công ích đến Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng. Trong đó, các giấy tờ sau phải có bản sao (chứng thực): Giấy phép kinh doanh của công ty; văn bản chứng minh hợp quy (Giấy đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu, Giấy chứng nhận thương hiệu,…)
Ngoài ra: Đơn xin phép quảng cáo (văn bản thông báo sản phẩm quảng cáo) ký và đóng dấu của Công ty; maket và bản phối cảnh phải in màu có chữ ký và dấu của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo; hợp đồng thuê địa điểm lắp đặt bảng quảng cáo của Công ty với địa điểm lắp đặt (bản photo).
Kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền , quan tâm , xem xét . Điều khó hiểu qua những hổ trợ của mùa dịch . Chúng tôi , những anh em nghệ sỹ tự do chuyên phục vụ về mảng văn hoá ( cho thuê âm thanh , nhạc công , MC .....etc......), qua tất cả đợt dịch , đối tượng bị cấm đầu tiên là anh em chúng tôi , nếu để trên địa bàn dịch ổn định lại , đối tượng được hoạt động lại sau cùng thì cũng là anh em chúng tôi . Điều trăn trở ở đây là , điều kiện kinh tế hầu hết của anh em là làm đồng nào biết đồng đó ( trong khoản tiền làm ra đó , bản thân nhiều người còn chưa đủ tiêu , chứ đừng nói giúp gia đình nuôi con). Thời gian chống dịch cho ổn định, để được làm lại thì quý vị biết rồi ( thời gian không có con số rõ ràng) . Nói tóm lại anh em chúng tôi rất khó khăn , chật vật khi trong điều kiện bình thường , chứ đừng nói khi bị dừng hoạt động do dịch . Khi đợt đầu dịch , nghe có văn bản hổ trợ , thực tình ( dù không là bao nhiêu) anh em chúng tôi cũng háo hức , trông đợi như mọi đối tượng khác . Đến khi thực thi chi trả tiền hổ trợ , thì anh em chúng tôi lại hoàn toàn không có một ai được nhận từ đồng tiền đó . Cứ nghĩ chắc mình đọc và hiểu sai nội dung chăng , vậy là anh em lại cùng nhau tìm hiểu thì trong khoản chi trả cho đối tượng nghề tự do thì không có anh em chúng tôi thật . Cứ nghĩ là nhà nước có chính sách riêng hay có thiếu sót gì chăng , cho đến nay qua 4 , 5 đợt dịch , qua rất nhiều văn bản hổ trợ , từ trung ương cho đến thành phố , chúng tôi vẫn không có tên , không có vị trí trong xã hội . Vậy thử hỏi khi nhà nước cấm hoạt động , thì sao đối tượng của anh em chúng tôi lại có tên? Chúng tôi tuyệt đối chấp hành rất nghiêm túc như mọi đối tượng hoạt động khác ( khó một điều là các nghề tự do khác thì không hình thức này , hình thức khác vẫn còn cho phép hoạt động , còn chúng tôi thì bất di bất dịch , không cựa quậy gì được cả) . Thử hỏi chúng tôi duy trì cuộc sống bằng cách nào . Qua đây chúng tôi thực lòng , mong các cấp có thẩm quyền quan tâm , suy xét , sửa đổi văn bản để anh em chúng tôi được có một vị trí trong xã hội . Thành thật kiến nghị , mong sửa đổi và cảm ơn !
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xin trả lời như sau:
Ngày 07/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và ngày 19/7/2021, Chủ tịch UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND về việc triển khai thực hiện hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 năm 2021. Trong đó quy định lao động tự do được hỗ trợ cụ thể như sau: Giáo viên, nhân viên trường mầm non tư thục, nhân viên, bảo mẫu nhóm trẻ; thuyền viên phục vụ tàu du lịch, lái xe, phụ xe của 12 tuyến xe buýt trợ giá của thành phố, lái xe, phụ xe các tuyến cố định, xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi hoạt động trên địa bàn thành phố; làm việc ở đơn vị lữ hành, lái xe, phục vụ vận chuyển du lịch, làm việc ở các khu điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, các điểm kinh doanh dịch vụ tại các bãi tắm; làm công việc cắt tóc, dọn vệ sinh, giúp việc gia đình và bán vé số.
Theo đó trường hợp của bạn là lao động tự do nếu làm các công việc liên quan đã nêu trên thì bạn cần liên hệ ngay UBND phường nơi bạn đăng ký tạm trú hoặc thường trú để được hướng dẫn về cách thức nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Lưu ý: Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 8 năm 2021.
Vậy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phản hồi để bạn được biết./.
“Về câu hỏi của Bạn Sở Văn hóa và Thể thao xin trả lời như sau:
“ Sở Văn hóa và Thể thao thành phố cảm ơn sự quan tâm của bà Trương Thị Minh Hải đối với Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc Đà Nẵng” năm 2021. Đối với nội dung câu hỏi của Bà, Sở Văn hóa và Thể thao - Ban Tổ chức cuộc thi xin trả lời như sau:
Tại cấp thành phố, các bài dự thi được chấm theo 02 vòng (vòng chấm bài và vòng phỏng vấn). 40 bài thi được lọt vào vòng phỏng vấn đều là các bài thi có chất lượng tốt, nổi trội.
Sau kết quả vòng phỏng vấn, Ban Giám khảo đã tổ chức họp và lựa chọn ra các bài xuất sắc nhất để tham dự vòng thi cấp Bộ, đồng thời trao giải tại thành phố. Theo đó, 20 bài thi gửi Bộ là các bài thi đảm bảo hài hòa các tiêu chí mà Ban Tổ chức đưa ra. Trong số đó, Ban Giám khảo lựa chọn 04 bài xuất sắc nhất để trao giải “Đại sứ Văn hóa đọc Đà Nẵng”.
Riêng các giải phụ tại Cuộc thi là những bài thi nổi bật về một nội dung theo cơ cấu giải thưởng, ví dụ như: Chia sẻ cảm tưởng hay nhất, Câu chuyện sáng tác khuyến đọc hay nhất, Bài thơ khuyến đọc hay nhất, Ý tưởng khuyến đọc sáng tạo và có tính thuyết phục nhất…, không phải là bài thi đảm bảo hài hòa các tiêu chí như các bài dự thi gửi Bộ.
Như vậy, trường hợp của thí sinh Nguyễn Thanh Ngọc Huyền là bài thi đảm bảo hài hòa được các tiêu chí Ban Tổ chức đưa ra để dự thi cấp Bộ. Tuy nhiên, tại thành phố, bài thi chưa nằm trong top 4 bài xuất sắc nhất để trao giải “Đại sứ Văn hóa đọc Đà Nẵng”, đồng thời qua bài thi chưa có một yếu tố nổi bật để ứng với các giải phụ mà Ban Tổ chức đưa ra.
Ban Tổ chức kính thông báo để quý vị được biết.
Trân trọng./. ”.
Liên quan đến nội dung này, Sở Văn hóa và Thể thao có phản hồi thông tin như sau:
1. Căn cứ Quyết định số 16/2017/QĐ-UBND ngày 08/5/2017 của UBND thành phố v/v phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố; việc cấp giấy phép kinh doanh karaoke thuộc thẩm quyền UBND các quận, huyện.
2. Về hoạt động kinh doanh gây mất an ninh trật tự: Căn cứ Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình và các quy định pháp luật liên quan; thông tin phản ánh nêu trên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Văn hóa và Thể thao.
Sở Văn hóa và Thể thao sẽ theo dõi và lưu ý, phối hợp cơ quan chức năng, nhất là UBND huyện Hòa Vang, kiểm tra xử lý./.
Liên quan đến nội dung này, Sở Văn hóa và Thể thao phản hồi thông tin như sau:
Theo Công văn số 6211/UBND-VHXH ngày 17/9/2020 V/v áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid 19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (đính kèm), việc cưới không nằm trong các hoạt động tiếp tục tạm dừng. Như vậy, người dân có thể tổ chức tiệc cưới, tuy nhiên, cơ sở tổ chức tiệc cưới phải cam kết với chính quyền địa phương và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, trong đó lưu ý hạn chế số lượng khách mời, sát khuẩn…
Sở Văn Hóa và Thể thao trân trọng cảm ơn góp ý của quý công dân. Liên quan đến nội dung câu hỏi, Sở phản hồi thông tin cụ thể như sau:
Tại văn bản số 2840/UBND-VHXH ngày 29/4/2020 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, tại mục 4, điểm a qui định các cơ sở huấn luyện thể thao chuyên nghiệp, tập luyện thể thao được phép hoạt động kể từ ngày 30/4/2020.
Vì vậy, phòng gym được hoạt động lại tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 30/4/2020.
Trân trọng./.
1. Về quy định tiếng ồn trong khu dân cư: Căn cứ Thông tư 39/2010/TT-BTNMT ngày 16/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật quốc gia về môi trường, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn quy định giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường như sau: Từ 6 giờ đến 21 giờ: 70db; từ 21giờ đến 6 giờ: 55db.
2. Thẩm quyền giải quyết vi phạm về ô nhiễm tiếng ồn: Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thông tin phản ánh nêu trên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Văn hóa và Thể thao; đồng thời việc xử lý vi phạm ô nhiễm tiếng ồn được UBND thành phố chỉ đạo thực hiện tại văn bản số 6447/UBND-NCPC ngày 24/9/2019 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường (đính kèm văn bản).