Tôi xin được hỏi các nội dung như sau:
- Tôi có người quen ở Hòa Khánh muốn đầu tư nuôi heo thì phải cần làm các thủ tục gì?
- Nếu muốn làm hầm biogas đảm bảo vệ sinh moi trường thì liên hệ ở đâu và có được nhà nước hỗ trợ hay không?
Chào bạn!
Bạn không nói rõ bạn của bạn ở Hòa Khánh muốn chăn nuôi heo với vị trí cụ thể như thế nào, tại Hòa Khánh hay tại địa điểm khác với nơi ở. Theo quy định của thành phố, tại khu vực Hòa Khánh, quận Liên Chiểu chỉ được chăn nuôi ở một số địa điểm như sau: phường Hòa Khánh Nam: từ tổ 01 đến tổ 15; phường Hòa Khánh Bắc: các tổ 50, 51, 52, 55, 57, 58, 59, 60, 61. Đồng thời, tại đây chỉ được chăn nuôi với quy mô hộ gia đình và phải đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh ở động vật, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và không gây phiền hà cho các hộ dân xung quanh. Bạn của bạn có thể đến Phòng Kinh tế (hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp quận/huyện để tìm hiểu về vị trí nuôi phù hợp với chủ trương của địa phương và của thành phố. Trước khi nhập giống về bạn phải khai báo với Chi cục Thú y để đảm bảo nguồn giống được theo dõi, quản lý và được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết trong quá trình nhập giống.
Về hầm biogas, bạn có thể liên hệ ông Trương Gặp - Trung tâm nghiên cứu ứng dụng năng lượng mới Đà Nẵng, 0905492169 hoặc Công ty Xanh Xanh - thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, ctyxanhxanh@gmail.com, GĐ Trần Văn Đông-0987414414.
Tôi hiện ở tỉnh Quảng Nam có anh Trai là ngư dân hiện có hộ khẩu thường trú tại phường Nại Hiên Đông,quận Sơn Trà. Anh trai tôi muốn đóng tàu công suất lớn khai thác xa bờ theo chủ trương của thành phố Đà Nẵng nhưng không đủ tiền. Sau khi bàn bạc tôi đồng ý góp vốn với anh Trai để đóng mới tàu công suất lớn để khai thác. Vậy trường hợp của Tôi có được thành phố hỗ trợ không
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời như sau:
Hiện nay tại thành phố có chủ trương hỗ trợ đóng mới tàu khai thác, dịch vụ khai thác hải sản theo Quyết định số 7068/QĐ-UBND ngày 29/8/2012 và được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 5827/QĐ-UBND ngày 23 tháng 8 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Trong đó:
Đối tượng được hỗ trợ là người có hộ khẩu thường trú tại thành phố Đà Nẵng thực hiện đóng mới tàu cá có tổng công suất máy chính từ 400cv trở lên đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động khai thác hải sản hoặc dịch vụ khai thác hải sản (ngoại trừ tàu làm nghề lưới kéo). Kinh phí hỗ trợ từ 500 triệu đến 800 triệu đồng (tùy theo công suất tàu đóng mới).
Trường hợp chủ tàu huy động góp vốn để đóng tàu thì phải khai báo trung thực về nguồn vốn huy động để đóng tàu tại mẫu Tờ khai đóng mới tàu cá. Thành phố chỉ hỗ trợ những người có hộ khẩu tại thành phố Đà Nẵngtheo danh sách các cổ phần đóng góp đã được chủ tàu kê khai. Kinh phí hỗ trợ cho từng thành viên góp vốn tính theo tỷ lệ vốn góp của những người có hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng so với mức kinh phí hỗ trợ đóng mới của tàu.
Như vậy trường hợp của ông thì nếu tàu được đóng và đăng ký tại thành phố Đà Nẵng thì thành phố sẽ hỗ trợ theo tỷ lệ vốn góp của anh trai ông (người có hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng). Phần vốn góp của ông không được thành phố hỗ trợ.
Quyết định 5827/QĐ-UBND cũng có nội dung “Trường hợp khai báo không đúng thực tế thì không hỗ trợ, nếu đã hỗ trợ thì thu hồi”./.
Trân trọng cảm ơn
Kính gửi chuyên mục!
Vừa qua tôi có nghe thông tin từ ngày 01/01/2014 thành phố sẽ cấm vận chuyển thịt heo, bò bằng xe máy...Vậy chúng tôi vận chuyển bằng gì? nếu cấm thì thành phố có chính sách gì hỗ trợ không?
Cảm ơn
Nội dung bạn hỏi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời câu hỏi như sau:
Ngày 09/4/2012, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định 15/2012/QĐ-UBND quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố. Theo đó, tại Khoản 2, 3 Điều 4 và Điểm c Khoản 2 Điều 6 có quy định như sau:
- Cấm vận chuyển sản phẩm động vật trên các phương tiện xe khách, xe không có thùng chứa.
- Cấm vắt sản phẩm động vật trên xe máy, xe thô sơ để vận chuyển, dẫm đạp hay ngồi trên sản phẩm động vật trong quá trình vận chuyển.
- Nếu vận chuyển với số lượng ít và bằng phương tiện xe máy, xe thô sơ, sản phẩm động vật phải được chứa trong thùng bằng kim loại không gỉ, không làm biến đổi màu, không làm thay đổi chất lượng sản phẩm, có đáy kín, chắc chắn và có nắp đậy.
Như vậy, thành phố không cấm vận chuyển thịt heo, bò bằng xe máy, tuy nhiên việc vận chuyển sản phẩm động vật bằng xe máy phải có thùng chứa theo quy định và thời hạn thực hiện bắt đầu từ ngày 01/01/2014.
Về chính sách hỗ trợ: Theo Quyết định 6265/QĐ-UBND ngày 10/9/2013 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, người dân (là chủ phương tiện xe thồ chuyên vận chuyển thịt gia súc, gia cầm) thực hiện đóng thùng để vận chuyển sản phẩm động vật bằng xe máy sẽ được hỗ trợ 2.000.000 đồng/thùng.
Người dân có thể liên hệ với Chi cục Thú y để được hướng dẫn cụ thể về quy cách đóng thùng vận chuyển và thủ tục tiếp nhận hỗ trợ của thành phố./.
Tên tôi là Nguyễn An, hiện nay gia đình tôi đang nuôi 10 con heo tại lô 85, KDC Khánh Sơn 1, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Mặc dù đã cố gắng dội rữa nước 2 lần/ngày để vệ sinh chuồng trại nhưng vẫn còn mùi hôi ảnh hưởng đến hàng xóm. Vừa qua Tổ dân phố nơi tôi đang sống và UBND phường Hòa Khánh Nam có yêu cầu tôi chấm dứt việc nuôi heo trong khu dân cư do gây ô nhiễm tới những gia đình trong khu dân cư.
Qua xem xét nội dung ý kiến của công dân, Phòng Kinh tế quận Liên Chiểu trả lời như sau: Theo nội dung Công văn số 283/UBND-KTN ngày 15/01/2010 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc liên quan đến việc chăn nuôi gia súc, gia cầm có nêu: đồng ý để nhân dân các tổ từ 01 đến 15 ở phường Hòa Khánh Nam được tiếp tục chăn nuôi gia súc, gia cầm với qui mô chăn nuôi hộ gia đình, nhưng phải đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh ở động vật, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và không gây phiền hà cho hộ dân xung quanh.
Theo đó, ông An được phép chăn nuôi heo tại nhà. Trường hợp việc chăn nuôi heo của ông An mất vệ sinh môi trường, gây ô nhiễm tới những hộ gia đình trong khu dân cư thì không đảm bảo các yêu cầu trên, do vậy Tổ dân và UBND phường Hòa Khánh Nam yêu cầu chấm dứt việc nuôi heo là đúng với tinh thần Công văn số 283/UBND-KTN.
Tuy nhiên, để xác định việc chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh, có mùi hôi ô nhiễm môi trường phải có ngành chức năng kiểm tra và kết luận.
Tôi tên là Nguyễn Thị Ngọc Bích ,là mẹ của bé Nguyễn Hoàng Bảo Thy sinh năm 2007 là trẻ em khuyết tật đang hưởng tiền trợ cấp tại UBND xã Hòa Phước.Bản thân gia đình khó khăn chồng tôi lại đang thất nghiệp con tôi thì đang theo học và tập luyện tại trường chuyên biệt Thanh Tâm với mức học phí là 1400000 nghìn đồng/1 tháng.Gia đình tôi muốn phát triển mô hình chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh học để cải thiện kinh tế vì chồng tôi là kỉ thuật chăn nuôi tại giống heo Hòa Phong nay đã bi giải thể. Được biết hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi TP có chính sách cho vay tiền với số tiền là 30000000 đồng do Nhât Bản tài trợ đưa về cho mỗi xã 10 bộ hồ sơ.Nhưng khi tôi đến UBND xã Hòa Phước hỏi thì không có sau đó người cùng thôn tôi đến hỏi thì được đưa hồ sơ về làm.Vậy thật hư việc cho vay này la có hay không mong các cấp chính quyền có liên quan giải đáp thắc mắc của tôi . Xin chân thành cảm ơn!
Về câu hỏi của Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, chúng tôi xin được trả lời như sau:
Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng không có kế hoạch cho vay với số tiền 30.000.000 đồng/hồ sơ do Nhật Bản tài trợ.
Nguồn vốn cho vay nói trên do Ngân hàng chính sách huyện Hòa Vang phối hợp với Hội người khuyết tật thành phố Đà Nẵng thực hiện.
Văn phòng UBND và Hội liên hiệp phụ nữ xã Hòa Phước sẽ mời và làm việc cụ thể với bà Nguyễn Thị Ngọc Bích về việc cho vay này.