HỆ THỐNG TIẾP NHẬN, TRẢ LỜI PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ CỦA NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP


  • Lĩnh vực: Lĩnh vực khác
  •   
  •  
Ngày gửi: 18/09/2019
Nội dung:  Tôi quen 1 người anh quốc. Người đó nói gửi cho tôi 1 món quà và nói tôi có người của công ty giao hàng gọi thì đóng 12 triệu cho họ. Vậy đây có phải lừa đảo không???
Người gửi: Lê thị thu hiền   Địa chỉ: 52 đường nguyễn sơn hà quận hải châu tp. Đà nẵng
Đơn vị trả lời: Công an Tp

Khi nhận bưu phẩm từ nước ngoài về Việt Nam cần cảnh giác vì rất có thể đó là chiêu thức lừa đảo mới, tinh vi, xuyên quốc gia. Không phải tất cả các bưu phẩm gửi từ nước ngoài về Việt Nam đều là lừa đảo.

Chỉ những bưu phẩm có dấu hiệu như sau có thể là lừa đảo, nên chúng ta nên hết sức cảnh giác khi nhận những món quà này.

- Các yêu cầu của kẻ có dấu hiệu lừa đảo và điểm bất bình thường:

+) Thứ nhất: Người gửi quà là người nước ngoài, mới quen, quen qua mạng xã hội, chưa từng gặp mặt hoặc gặp mặt 1, 2 lần và chỉ liên hệ qua mạng xã hội >> Người lạ, không thể tin tưởng được khi họ gửi quà với giá trị lớn, không ai cho không ai cái gì.

+) Thứ hai: Có gửi thùng quà về Việt Nam, trong đó có: Tiền, trang sức đắt tiền, vàng, bạc, mỹ phẩm...>> Cấm gửi tiền, vàng, bạc...qua đường bưu điện, qua chuyển phát nhanh.

+) Thứ ba: Nếu người nhận có địa chỉ ở Miền Nam thì hàng sẽ được thông báo là ở sân bay Nội Bài, Hà Nội và ngược lại bạn ở Miền Bắc thì hàng sẽ được thông báo là đã đến sân bay Tân Sơn Nhất >> Bất hợp lý ở việc vận chuyển đến địa chỉ người nhận, đều này khiến người nhận không thể tự đến xác minh được.

+) Thứ tư: Có người gọi cho bạn đóng tiền thuế hải quan và tiền phạt vì soi thấy có tiền, trang sức, vàng bạc...>> Cấm gửi tiền Cấm gửi tiền, vàng, bạc...qua đường bưu điện, qua chuyển phát nhanh nên sẽ chẳng có thùng hàng nào như thế ở sân bay cả. Khi thanh toán các khoản phí phải có hóa đơn chứng từ, không thanh toán qua tài khoản cá nhân.

+) Thứ năm: Họ yêu cầu chuyển khoản cho họ 1 khoản tiền cho họ trước nhưng lại chuyển vào số tài khoản cá nhân >> Khi thanh toán các khoản phí phải có hóa đơn chứng từ có dấu đỏ của cơ quan nhà nước, không thanh toán qua tài khoản cá nhân.

+) Thứ sáu: Nếu bạn không gửi họ sẽ gửi trả lại hàng hoặc sẽ bị tịch thu >> Theo nguyên tắc thì sẽ gửi trả lại người gửi, khi người nhận từ chối nhận.

...

Căn cứ theo khoản 5, điều 25, Công ước Bưu chính thế giới các nghị định thư cuối cùng có quy định như sau:

Điều 25: Các bưu gửi không được chấp nhận. Cấm gửi

5- Cấm không được đưa các loại tiền kim loại, tiền giấy, chứng khoán, các loại séc du lịch bạch kim, vàng hoặc bạc đã được gia công hoặc chưa, các loại đá quý, đồ trang sức hoặc các vật phẩm có giá trị khác vào:

5.1- Trong bưu phẩm không khai giá, tuy nhiên, nếu luật pháp nước gửi và nước nhận cho phép thì những vật phẩm trên vẫn có thể được gửi trong phong bì dán kín như một Bưu gửi ghi số;

5.2- Trong bưu kiện không khai giá được trao đổi giữa hai nước chấp nhận mở dịch vụ bưu kiện khai giá; ngoài ra, bưu chính các nước có quyền cấm gửi vàng nén trong các bưu phẩm khai giá hoặc không khai giá đi hoặc đến lãnh thổ nước mình hoặc quá giang gửi rời qua nước đó. Các nước có quyền giới hạn giá trị thực tế đối với các loại vật phẩm này.

Hành vi lừa đảo sẽ bị xử lý theo pháp Luật Việt Nam như sau:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nếu bạn gặp phải trường hợp có dấu hiệu nêu trên thì bạn phải hết sức cảnh giác và hãy đến báo cho cơ quan Công an gần nhất để điều tra làm rõ.

Trân trọng cảm ơn.