HỆ THỐNG TIẾP NHẬN, TRẢ LỜI PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ CỦA NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP


  • Lĩnh vực: Đất đai
  •   
  •  
Ngày gửi: 29/08/2017
Nội dung: xin cho được hỏi : khi tranh chấp đất đai mà hai bên đã có GCN đã được các cấp có thẩm quyền cấp và toà án nhân dân đang thụ lý giải quyết thì UBND quận ban hành quyết định thu hồi hủy bỏ GCN của một bên, như vậy thẩm quyền giải quyết thuộc về cơ quan nào theo luật đất đai, việc ban hành quyết định thu hồi của UBND quận có đúng thẩm quyền hay không, xin cảm ơn!
Người gửi: Trần Thị Thuý   Địa chỉ: Quận Thanh khê
Đơn vị trả lời: Sở Tư Pháp

Kính gửi: Bà Trần Thị Thúy.

Về nội dung câu hỏi của bà, Sở Tư pháp có ý kiến như sau:

1. Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Theo Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.

Theo nội dung câu hỏi của bà Thúy, thì các bên tranh chấp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận và đang được tòa án nhân dân thụ lý là đảm bảo theo quy định tại Khoản 1, Điều 203 của Luật Đất đai.

2. Về trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận

Theo Khoản 2, Điều 106 Luật Đất đai quy định Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau đây:

“a) Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất trên Giấy chứng nhận đã cấp;

b) Cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp;

c) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.

3. Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 105 của Luật này quyết định sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai”.

Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa có văn bản quy định khi Tòa án đang thụ lý giải quyết tranh chấp đất đai thì cơ quan có thẩm quyền không được thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang tranh chấp.

Hiện nay, pháp luật chỉ quy định thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức tại Điều 34, Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.

2. Quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này là quyết định đã được ban hành về một vấn đề cụ thể và được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định này thì phải được Tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó.

3. Khi xem xét hủy quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải tham gia tố tụng và trình bày ý kiến của mình về quyết định cá biệt bị Tòa án xem xét hủy.

4. Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh”.

Vậy, Sở Tư pháp trả lời để bà Trần Thị Thúy tham khảo. Về nội dung câu hỏi của bà Thúy liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tài nguyên và môi trường. Do đó, trong trường hợp còn vướng mắc, bà Thúy nên liên hệ với cơ quan tài nguyên và môi trường để được giải thích cụ thể hơn.

Trân trọng./.

Công văn số 2674/STP-BTTP, ban hành ngày 20/09/2017 về việc V/v trả lời câu hỏi của công dân